Sinh hoạt Chuyên đề năm 2025 thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 15:01 08/05/2025
Chiều ngày 26/4, Chi bộ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đã tổ chức cho toàn thể đảng viên, công chức, viên chức của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnhtham gia hội nghị nghiên cứu, học tập Chuyên đề năm 2025 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk”.
Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: công bằng, bình đẳng, tự do là giá trị đích thực của độc lập, là thước đo cao nhất những thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh coi: công bằng về cơ hội phát triển chính là nội dung cốt lõi của công bằng xã hội, của giá trị bình đẳng, tự do, dân chủ và hạnh phúc cho mỗi người dân, đồng thời là điều kiện và tiền đề của động lực và mục tiêu giành độc lập dân tộc, giải phóng và phát triển ngày càng toàn diện cho mỗi con người; qua đó cũng góp phần cùng nhân loại tiến bộ trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, bình đẳng và tiến bộ của cả xã hội loài người. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh cho rằng tiến bộ, công bằng xã hội với cốt lõi là công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ, công bằng về cơ hội phát triển, mà thực chất là bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, là một mục tiêu của sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới. Về công tác chăm lo đời sống nhân dân, Hồ Chí Minh cho rằng “ Muốn kháng chiến thành công thì phải có sức dân, lòng dân. Muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân”.
Truyền đạt nội dung vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội diện nay. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được Đảng ta xem là một chủ trương lớn, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa trong tiến trình cách mạng Việt Nam, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ trong thực tiễn, vừa là động lực then chốt của sự phát triển; bảo đảm mọi thành viên xã hội được hưởng thụ tương xứng với những kết quả đóng góp trong lao động, cũng như kiến tạo sự bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội, nguồn lực để mỗi cá nhân có thể phát triển. Tiến bộ, công bằng xã hội, do đó, là trụ cột của sự phát triển bền vững.
Đắk Lắk là tỉnh ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng của cả nước. Tỉnh Đắk Lắk ngày nay được chia tách từ tỉnh Đắk Lắk trước đây theo Nghị quyết số 22/2003/QH11, ngày 26-11-2003, của Quốc hội khóa XI. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 13.125,37 km2, dân số khoảng 1,9 triệu người, với 49 dân tộc cùng sinh sống, chiếm 35,7% tổng dân số, trong đó các các dân tộc thiểu số tại chỗ, như Êđê, Giarai, Mnông phân bố ở đều khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Qua hơn 20 năm (2003-2024), thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra bước tiến đáng kể về kinh tế, văn hóa, ổn định chính trị và an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Trong giai đoạn 2003-2024, kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Lắk đã có những bước tiến quan trọng, làm thay đổi bộ mặt của tỉnh. Tính đến giữa năm 2024, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 25.493 tỷ đồng, tăng 4,13% so với cùng kỳ năm 202314. Kết quả này góp phần có tác động tích cực lên các vấn đề xã hội, nhất là tại vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Chương trình xóa đói giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Đắk Lắk đã chuyển biến nhanh chóng, số lượng và tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, trong đó có nhiều hộ gia đình DTTS. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm được 3,38%, từ 23,08% xuống còn 19,7% (so với mức 46,19% năm 2003 và 59,9% năm 2005)15, số hộ nghèo giảm được 4.753 hộ, từ 35.982 hộ xuống còn 31.229 hộ.
Cùng với công tác xóa đói, giảm nghèo, công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình cho đồng bào DTTS được chú trọng, công tác vệ sinh phòng dịch vùng DTTS đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Các chỉ số cơ bản về sức khỏe của người DTTS đã cải thiện theo chiều hướng tích cực. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng đầu tư về trang thiết bị, bố trí đội ngũ bác sỹ, y sỹ có tay nghề về công tác tại các trạm y tế xã để thực hiện công tác khám chữa bệnh cho đồng bào ở các thôn, buôn. Đến nay 15/15 huyện có bệnh viện, 184 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, thôn, buôn có nhân viên y tế, 100% đồng bào DTTS là hộ nghèo được cấp bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn đã cơ bản xóa nhà tạm tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS của tỉnh, giúp một số hộ dân có nhà riêng, ổn định cuộc sống, phần nào đã hỗ trợ được nước sinh hoạt cho những vùng thường xuyên thiếu nước. Chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (bao gồm cả nước sạch) đạt 94,23% (126.611/134.371 hộ). Trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sạch đạt 16,24%, số hộ đồng bào DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 77,99%.
Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất, các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng được nâng lên. Công tác tuyên truyền về nâng cao đời sống văn hóa được thực hiện tốt từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các lễ hội truyền thống được quan tâm phục dựng; các ngày hội thể thao khu vực, của từng dân tộc thường xuyên được tổ chức. Hoạt động lễ hội đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi, góp phần tăng cường mối giao lưu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phát thanh truyền hình, thông tin liên lạc được quan tâm đầu tư đến các xã, vùng DTTS và miền núi. Do đó, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối mạng internet nhằm phục vụ cho các nhu cầu về thông tin, giải trí đã tăng từ 9,48% lên 59,06% năm 202019. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng và thể dục thể thao thành tích cao tiếp tục được tỉnh quan tâm phát triển.
Về xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS, hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan đơn vị trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được giao, xây dựng kế hoạch và đăng ký nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức, trong đó có bố trí biên chế và vị trí việc làm hợp lý để tuyển dụng người DTTS vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị. Việc bố trí sắp xếp và sử dụng cán bộ DTTS trên cơ sở công tác quy hoạch cán bộ, các cấp ủy đảng đã chú trọng bố trí cán bộ phù hợp với trình độ chuyên môn, chuyên ngành đào tạo nhằm phát huy có hiệu quả đội ngũ cán bộ DTTS trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công tác an ninh quốc phòng ở vùng DTTS trong tỉnh cũng luôn được cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang các cấp trong tỉnh đã chủ động nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng phản động, chống đối. Tỉnh luôn chú trọng công tác xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Đồng thời, chủ động ngăn chặn các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc thông qua “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào các DTTS tham gia vào các hoạt động chống nhà nước. Do vậy, tình hình an ninh trên các lĩnh vực cơ bản được đảm bảo, tội phạm hình sự được kiểm soát.
Tuy việc thực hiện sách dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2003-2024 đạt được nhiều kết quả nổi bật nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tuy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất của cả tỉnh. Số hộ nghèo trong đồng bào DTTS vẫn còn cao, số hộ thoát nghèo nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, đói giáp hạt khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra vẫn còn. Mặc dù có nhiều tiến bộ, song nhìn chung chất lượng giáo dục trong học sinh DTTS nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ người DTTS ra lớp đạt 6,5%; tỷ lệ trẻ mẫu giáo người DTTS ra lớp đạt 82,4%. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học tăng, tăng từ 1,30% tổng số học sinh năm học 2010-2011 lên 2,10% năm học 2019-202025. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu của nhân dân. Mặc dù đã có chuyển biến tích cực song tỷ lệ cán bộ, công chức là người DTTS chưa đạt so với quy định, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS mới chiếm tỷ lệ 13,2%; trong đó khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (cấp tỉnh, huyện) chiếm 15,5%, khối nhà nước chiếm 11,2%, khối sự nghiệp chiếm 13,3%28. Hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở một số nơi chưa thật sự vững mạnh, thiếu sâu sát nhân dân, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên một bộ phận người DTTS chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đắk Lắk là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của cả nước. Trong giai đoạn 2003-2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển đúng hướng, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào vùng DTTS được nâng cao. Việc thực hiện tốt chính sách dân tộc góp phần xây dựng và củng cố ngày càng vững chắc hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc giữa nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.
Thông qua sinh hoạt Chuyên đề này, ngoài việc góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Chi bộ, lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ có những hành động thiết thực góp phần cùng cả tỉnh quan tâm đời sống vật chất, tư tưởng cho đồng bào các dân tộc; trong đó, chú trọng việc phối hợp với các cơ qaun chức năng của tỉnh và lãnh đạo các doanh nghiệp tạo điều kiện cho con em đồng bào dan tộc thiểu số được đào tạo nghề và làm việc trong các doanh nghiệp có dự án đầu tư đang hoạt động trong khu công nghiệp Hào Phú nói riêng và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung.
Nguyễn Văn Minh